Xem nhanh
Các quy định về an toàn điện tại công ty được đề ra với mục đích đảm bảo an toàn cho người lao động khi thực thi các công việc như xây dựng, sửa chữa điện, vận hành, kinh doanh, thí nghiệm, kiểm định,… và một số ngành liên quan khác theo quy định của pháp luật. Ngành điện là một trong những ngành nghề có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, vì môi trường làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với điện áp gây nguy hiểm cho người lao động. Bài viết này, Kiến Vàng 247 sẽ cung cấp chi tiết những quy định về an toàn điện để bạn có thể tìm hiểu.
An toàn điện là gì?
An toàn điện là hệ thống các biện pháp tổ chức và phương tiện kỹ thuật để ngăn chặn các tác động có hại hoặc gây nguy hiểm cho con người từ dòng điện, hồ quang điện, trường điện từ và tĩnh điện. An toàn điện giúp con người tránh khỏi các tổn thương như điện giật, bỏng, tổn thương nội tạng,…
Nguyên tắc an toàn điện
Để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc tránh xảy ra những tai nạn không đáng có, dưới đây là một vài nguyên tắc an toàn điện yêu cầu mọi người cần phải tuân theo:
- Không sử dụng máy bay điều khiển hoặc thả diều gần các đường dây điện.
- Đảm bảo người lao động phải biết phương thức vận hành máy trước khi sử dụng.
- Dây cắm phải đủ dài, các vị trí ổ cắm phải đủ tải, không nên sử dụng quá nhiều phích cắm cho một ổ cắm.
- Sắp xếp đường dây điện một cách gọn gàng để tránh gây tai nạn và hạn chế rủi ro chập điện.
- Yêu cầu người thợ sửa điện phải có kiến thức chuyên môn cao, đồng thời phải có kinh nghiệm thi công nhiều dự án lớn.
- Ngừng sử dụng điện khi phát hiện sự cố rò rỉ hay hư hỏng về điện.
- Những thiết bị, ổ cắm điện cần phải lắp đặt trên cao cách mặt đất hơn 1m tránh tiếp xúc với trẻ em.
- Mang giày dép, đồ bảo hộ cao su, thiết bị cách điện khi tiến hành sửa chữa, bảo trì.
- Tuyệt đối không được sử dụng các thiết bị điện, dây dẫn điện kém chất lượng.
Các quy định về an toàn điện tại công ty
- Người được phép thao tác điện là những người thợ có nhiều kinh nghiệm về điện và bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc đang làm. Bên cạnh đó, người thao tác điện cần phải tham gia khóa huấn luyện an toàn về điện và được cấp thẻ an toàn điện theo quy định của pháp luật.
- Người thao tác điện cần phải tham gia huấn luyện an toàn điện tại công ty theo định kỳ ít nhất một năm 1 lần. Ngoài ra, người vận hành phải hoàn thành các bài kiểm tra an toàn điện trước khi được phép thao tác điện.
- Người làm việc với điện phải kiểm tra sức khỏe trước khi tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ và phải đảm bảo đủ sức khỏe làm việc theo quy định của pháp luật.
- Người làm việc với điện phải sử dụng đúng dụng cụ và mang đầy đủ các trang bị bảo hộ phù hợp mà công việc sẽ thực hiện.
Yêu cầu về kỹ thuật trong an toàn điện
Làm việc với phần không có điện
Trình tự thực hiện các biện pháp an toàn trước khi thực hiện công việc
- Cắt điện và thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng điện quay trở lại
- Kiểm tra xác định không còn điện
- Thực hiện nối đất (tiếp địa): Đơn vị quản lý vận hành thực hiện nối đất tạo vùng làm việc an toàn trước khi bàn giao hiện trường. Đơn vị công tác thực hiện bổ sung nối đất di động tại nơi làm việc nếu cần thiết khi thực hiện công việc.
- Đặt rào chắn và treo biển báo an toàn
- Biện pháp an toàn cần thiết khác do công ty quyết định
Đánh số thiết bị: Các thiết bị, đường dây phải được đặt tên, đánh số chỉ dẫn rõ ràng.
Đóng, cắt thiết bị
- Không được sử dụng dao cách ly để đóng, cắt dòng điện phụ tải (ngoại trừ dao cách ly phụ tải được phép đóng cắt có tải theo quy định của nhà sáng chế).
- Khi thao tác dao cách ly phải khẳng định chắc chắn đường dây đã hết tải.
- Việc đóng, cắt các đường dây, thiết bị điện phải sử dụng thiết bị đóng cắt phù hợp.
Mạch liên động
Sau khi thực hiện cắt các thiết bị đóng, cắt người thực hiện thao tác cần phải:
- Khóa bộ truyền động và mạch điều khiển, mạch liên động của thiết bị đóng cắt.
- Treo biển báo an toàn.
- Bố trí người cảnh giới (nếu cần thiết).
Phóng điện tích dư
- Phải thực hiện phóng điện tích dư (nếu cần) và đặt nối đất di động trước khi làm việc.
- Khi phóng điện tích dư, phải tiến hành ở trạng thái như đang vận hành, sử dụng các trang thiết bị an toàn và bảo bộ lao động.
Kiểm tra không còn điện
- Khi tiến hành công việc đã được cắt điện phải kiểm tra xác định nơi làm việc không còn điện.
- Trường hợp, mạch điện đã được cắt điện nằm gần hoặc giao chéo với mạch điện cao áp có điện cần phải kiểm tra điện áp cảm ứng bằng thiết bị kiểm tra điện. Khi phát hiện điện áp cảm ứng, nhân viên tại công ty phải báo cáo với người Chỉ huy trực tiếp.
- Người Chỉ huy trực tiếp phải đưa ra các biện pháp an toàn bổ sung, các chỉ dẫn thích hợp để đảm bảo an toàn cho nhân viên tại công ty như nối đất làm việc và không cho phép tiến hành công việc cho đến khi biện pháp an toàn bổ sung được thực hiện.
Chống điện cấp ngược
- Đặt nối đất di động để chống điện cấp ngược đến nơi làm việc từ phía thứ cấp của máy biến áp hoặc các nguồn điện hạ áp khác.
- Khi cắt điện đường dây hạ áp, phải có biện pháp chống điện cấp ngược lên đường dây từ các nguồn điện độc lập khác.
Một số quy định về đặt và tháo nối đất di dộng tại nơi làm việc
- Khi đặt, tháo nối đất di động trên lưới điện cao áp, nhân viên công ty phải dùng sào, găng cách điện phù hợp; đặt và tháo nối đất di động tại lưới hạ áp phải đeo găng tay cách điện hạ áp.
- Khi có nhiều đơn vị công tác cùng thực hiện các công việc có liên quan trực tiếp đến nhau thì mỗi đơn vị phải thực hiện nối đất di động độc lập.
- Khi đặt nối đất di động phải đặt đầu nối với đất trước, đầu nối với vật dẫn điện sau. Đối với tháo nối đất di động thì làm ngược lại.
- Đơn vị công tác thực hiện đặt và tháo nối đất di động theo chỉ đạo của Người chỉ huy trực tiếp.
- Việc dỡ bỏ tạm thời nối đất di động để thực hiện các công việc cần thiết của đơn vị công tác chỉ được thực hiện theo lệnh của Người chỉ huy trực tiếp và phải được thực hiện nối đất lại ngay sau khi kết thúc công việc đó.
- Dây nối đất là dây đồng hoặc hợp kim mềm, nhiều sợi, tiết diện phải chịu được tác dụng lực điện động và nhiệt.
Thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn khi nhiều đơn vị công tác cùng làm việc trên cùng một công trình điện lực
- Khi làm việc tại một công trình điện lực gồm nhiều đơn vị công tác khác nhau thì mỗi đơn vị công tác cần phải thực hiện biện pháp kỹ thuật an toàn khác nhau.
- Các đơn vị công tác phải có dấu hiệu nhận biết để phân biệt người của từng đơn vị trong phạm trù việc làm.
Làm việc gần phần có điện
Khoảng cách an toàn về điện
Trường hợp, không có rào chắn tạm thời, khoảng cách an toàn về điện không nhỏ hơn quy định tại bảng sau:
Cấp điện áp (kV) | Khoảng cách an toàn về điện (m) |
Từ 01 đến 15 | 0,70 |
Trên 15 đến 35 | 1,00 |
Trên 35 đến 110 | 1,50 |
220 | 2,50 |
500 | 4,50 |
Trường hợp, có rào chắn tạm thời, khoảng cách an toàn từ rào chắn đến phần có điện không nhỏ hơn quy định như sau:
Cấp điện áp (kV) | Khoảng cách an toàn về điện (m) |
Từ 01 đến 15 | 0,35 |
Trên 15 đến 35 | 0,60 |
Trên 35 đến 110 | 1,50 |
220 | 2,50 |
500 | 4,50 |
Nếu không đảm bảo được khoảng cách quy định tại khoản 13.1 hoặc không thể đặt rào chắn quy định tại khoản 13.2 thì phải cắt điện để làm việc.
Yêu cầu đối với rào chắn tạm thời
- Việc đặt rào chắn tạm thời phải được quyết định trước khi thực hiện công việc.
- Yêu cầu đối với rào chắn tạm thời: Phải làm bằng vật liệu chắc chắn và không được đổ về phía phần có điện.
- Phải đảm bảo khoảng cách theo đúng quy định
- Không cản trở người tham gia đang thực hiện công việc rời khỏi vị trí làm việc khi xảy ra sự cố, tai nạn,…
Thiết lập vùng làm việc an toàn
Trước khi làm việc gần phần có nguồn điện, đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm tạo vùng làm việc cho đơn vị công tác theo các quy định sau:
- Một số yêu cầu đối với tạo vùng làm việc an toàn như không được làm ảnh hưởng đến vận hành của các phần có điện gần vùng làm việc an toàn. Không làm cản trở hoặc gây khó khăn cho công ty trong việc thoát nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn thương tích.
- Đơn vị quản lý vận hành và đơn vị công tác phối hợp xác định ranh giới vùng làm việc an toàn.
- Lập rào chắn tạm thời hoặc áp dụng những biện pháp phù hợp để công ty xác định được ranh giới nơi làm việc an toàn bằng trực quan.
- Bàn giao vùng làm việc cho đơn vị công tác.
Tiếp nhận, làm việc trong vùng làm việc an toàn
Trong quá trình tiếp nhận, người chỉ huy trực tiếp và người cho phép phải kiểm tra vùng làm việc an toàn. Trong khoảng thời gian này đơn vị công tác không được:
- Vượt qua khỏi ranh giới vùng làm việc an toàn do đơn vị quản lý vận hành lập và giao cho đơn vị công tác.
- Dịch chuyển, gỡ bỏ rào chắn, biển báo, tín hiệu xác định vùng làm việc an toàn và các biện pháp an toàn do đơn vị quản lý vận hành thành lập.
Cảnh báo: Tại khu vực nguy hiểm và khu vực lắp đặt các thiết bị điện phải bày trí hệ thống rào chắn, biển báo, tín hiệu phù hợp để cảnh báo độ nguy hiểm.
Các thiết bị điện lắp đặt ngoài trời
Đối với các thiết bị điện cao áp, việc lắp đặt ngoài trời phải thực hiện các biện pháp để những người không có nhiệm vụ không được vào những vùng đã bị giới hạn:
- Rào chắn, khoanh vùng hoặc các biện pháp an toàn khác
- Khóa cửa hoặc các biện pháp ngăn chặn khác được bố trí ở cửa vào, ra.
- Biến báo, tín hiệu cảnh báo “cấm vào” được đặt ở lối ra, vào.
Thiết bị điện lắp đặt trong nhà: Đối với những loại thiết bị điện cao áp lắp đặt trong nhà phải thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn những người không có nhiệm vụ đến gần các thiết bị.
Chiếu sáng vị trí làm việc: Vị trí làm việc phải duy trì cường độ chiếu sáng phù hợp theo quy định hiện hành.
Cảnh báo tại nơi làm việc: Đơn vị công tác phải đặt các tín hiệu cảnh báo an toàn tại những vùng nguy hiểm trong quá trình làm việc, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên đơn vị công tác và cộng đồng.
Làm việc với phần có điện
Điều kiện khi làm việc có điện
- Những người làm việc với công việc có điện phải được đào tạo, huấn luyện phù hợp với thiết bị, quy trình, công nghệ được trang bị.
- Những công việc liên quan về điện phải được người có thẩm quyền phê duyệt.
- Phương án thi công và biện pháp an toàn cần phải được phê duyệt trước khi thực hiện.
- Có các quy trình thực hiện công việc theo công nghệ áp dụng.
An toàn khi làm việc có điện
- Khi làm việc tại vị trí có điện, nhân viên công ty phải xác định phần có điện gần nhất.
- Khi làm việc trên hoặc gần phần có điện, nhân viên đơn vị công tác không được mang theo đồng hồ, trang sức ở trên người hoặc những vật dụng cá nhân được làm từ kim loại.
- Khi làm việc với phần có điện, phải sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện bảo vệ thích hợp.
- Kiểm tra các kết cấu kim loại tại nơi làm việc có khả năng tiếp xúc phải đảm bảo không có điện.
Các biện pháp làm việc với điện hạ áp
Yêu cầu nhân viên tại đơn vị công tác cần phải: Sử dụng trang thiết bị, phương tiện bảo vệ, dụng cụ thích hợp khi thực hiện công việc. Nên che phủ các phần điện để loại bỏ nguy cơ dẫn đến nguy hiểm (nếu cần thiết).
Các biện pháp làm việc với điện cao áp
Lúc làm việc với điện cao áp như kiểm tra, sửa chữa, vệ sinh phần có điện hoặc sứ cách điện (vật liệu cách điện khác), nhân viên công ty sử dụng các trang bị, dụng cụ cho làm việc có điện. Đối với trường hợp này, khoảng cách cho phép tối thiểu đối với các phần điện xung quanh khác (chưa bọc cách điện) phải đảm bảo tương ứng theo cấp điện áp công tác của mạch điện, được quy định ở bảng sau:
Cấp điện áp đường dây (KV) | Khoảng cách cho phép nhỏ nhất (m) |
Từ 01 đến 35 | 0,6 |
Trên 35 đến 110 | 1,0 |
220 | 2,0 |
500 | 4,0 |
Khi di chuyển các dụng cụ bằng kim loại lên cột phải đảm bảo cho chúng không đến gần dây dẫn điện với khoảng quy định tại khoản 25.1.
Gia cố trước khi làm việc có điện: Việc sửa chữa đường dây không cắt điện chỉ được phép tiến hành khi phải đảm bảo là dây dẫn và cột điện bền chắc. Nếu trường hợp cột điện không đảm bảo được an toàn thì phải gia cố trước khi làm việc.
Sử dụng tấm che: Trên đường dây điện áp đến 35 KV, khoảng cách giữa dây dẫn và cột điện nhỏ hơn theo quy định tại khoản 25.1, cho phép tiến hành các công việc ở trên thân cột nhưng phải dùng các tấm che bằng vật liệu cách điện.
Làm việc đẳng thế
Khi đang ở trên trang bị cách điện đã đẳng thế với dây dẫn, không được trao cho nhau bất cứ vật gì có thể làm mất đẳng thế.
Khi đứng trên các thiết bị điện đã đẳng thế với dây dẫn, tuyệt đối không được chạm vào đầu sứ hoặc các chi tiết khác có điện áp khác với điện áp của dây dẫn.
Không di chuyển trên các trang bị cách điện sau khi người đó đã đẳng thế với dây dẫn. Chỉ được phép vào và ra khỏi phần làm việc của trang bị cách điện sau khi nhân viên công ty đã cách xa dây dẫn ở khoảng cách tối thiểu ghi trong bảng và sau khi đã làm mất đẳng thế người đó với dây dẫn.
Cấp điện áp (kV) | Khoảng cách nhỏ nhất (m) |
Đến 110 | 0,5 |
220 | 1,0 |
500 | 2,5 |
Yêu cầu tiêu chuẩn chung về an toàn điện
Theo ước tính, mỗi năm có đến hàng trăm người bị chấn thương và tử vong do các vụ tai nạn liên quan đến điện năng, để đảm bảo an toàn trong lao động Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật điện lực về an toàn điện.
Các yêu cầu chung về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện để sản xuất như các nhà máy điện, trạm điện, đường dây dẫn điện chuẩn bị đưa vào khai thác, các tài liệu kỹ thuật khác theo quy định cảu pháp luật về xây dựng cho đơn vị quản lý vận hành
Trên đây là bài viết các quy định về an toàn điện tại công ty. Tiêu chuẩn chung về an toàn điện đã được pháp luật Nhà nước ban hành rõ ràng. Do vậy, người lao động khi làm việc tại các công ty điện cần phải chú ý, cẩn trọng trong quá trình làm việc để tránh những rủi ro đáng tiếc không may xảy ra. Kiến Vàng 247 hy vọng với những chia sẻ này có thể giúp bạn hiểu biết nhiều hơn về an toàn điện.
>> Tham khảo thêm: Tiêu chuẩn quy định an toàn lao động trong xây dựng 2022